Xã Phước Đồng: Phá dỡ các đường bê tông trái phép
Theo tìm hiểu của phóng viên, do xã Phước Đồng chủ yếu là đất đồi núi (đất rừng sản xuất và trồng cây lâu năm) nên các đối tượng muốn bán đất phải san ủi, tạo mặt bằng và tự làm đường bê tông để chia lô. Các lô đất ở đây được mua bán bằng cách viết giấy tay và lập vi bằng; những con đường tự làm đều trái phép.
Người dân tự phá dỡ đường bê tông ở thôn Phước Lợi. |
Thời điểm năm 2018, khi thị trường bất động sản nóng lên cũng là lúc tình trạng san ủi, phân lô tại xã Phước Đồng diễn biến phức tạp. Có thể kể đến một số trường hợp như: Nguyễn Đức Phán tự làm đường để phân lô hơn 30.000m2 ở thôn Phước Hạ; Lê Thị Thoa tự làm đường để phân lô hơn 8.000m2 ở thôn Phước Lợi; Nguyễn Ngọc Tuấn tự làm đường để phân lô hơn 15.000m2 ở thôn Phước Tân; Dương Thị Thu Nhàn tự làm đường để phân lô hơn 1.000m2 ở thôn Phước Hạ… Theo thống kê của UBND xã Phước Đồng, từ năm 2018 đến nay, địa phương đã phát hiện 243 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, có 27 trường hợp đã bị UBND xã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp “tự ý làm đường bê tông trái phép, mục đích để tách thửa, chuyển nhượng” không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, từ năm 2020, UBND TP. Nha Trang đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã và xử lý tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, làm đường bê tông để phân lô, bán đất nền. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, UBND xã đã rà soát và phát hiện nhiều trường hợp san ủi đất lâm nghiệp, làm đường bê tông để phân lô, bán đất nền thuộc các thôn: Phước Hạ, Phước Thượng, Phước Điền và Phước Thủy. UBND xã đã hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ, Thương mại và Xây dựng Thành Lợi để đo vẽ, cắm mốc xác định phần diện tích đã san ủi, làm đường bê tông để có căn cứ lập hồ sơ, xử lý.
Tích cực vận động tự phá dỡ
Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã thực hiện việc phá dỡ đường bê tông và các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu lăm. Đặc biệt, mới đây, UBND xã đã thuê đơn vị thi công phá dỡ toàn bộ bức tường chắn bằng đá, tường xây và đường bê tông do ông Phán tự ý mở, đồng thời hạ dần độ cao để trả lại hiện trạng ban đầu. Đất đá của 2 bức tường được xe tải chở đi đổ rải rác ở các khu vực trong khu đất mà ông Phán phân lô. Đối với việc san nền, đơn vị thi công tiến hành đào toàn bộ khối lượng đất trong phạm vi thiết kế, sau đó hạ thấp từng lớp, tạo lại độ dốc tự nhiên từ 12 đến 19%. Ông Phán đã thanh toán chi phí tháo dỡ 2 bức tường này hơn 300 triệu đồng.
Ông Bùi Cao Pháp cho biết, do việc lập kế hoạch cưỡng chế và thuê đơn vị thi công tốn kém chi phí, việc thu hồi kinh phí phá dỡ gặp khó khăn nên từ đầu năm, UBND xã đã tích cực vận động các đối tượng tự phá dỡ các công trình đường bê tông vi phạm. Đến nay, các công trình vi phạm chủ yếu do các đối tượng tự nguyện phá dỡ. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số khu vực phá dỡ dở dang hoặc chưa phá dỡ, trong đó có khu vực phân lô của ông Phán ở thôn Phước Tân. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục vận động người dân tự giác chấp hành phá dỡ, nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Không có nhận xét nào